Đề bài: Em hãy chứng minh câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp”.
Bài làm
Ông cha ta vẫn thường dạy rằng “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Khi chúng ta nhìn nhận bất cứ một sự vật, hiện tượng hay một con người ta cần chú ý tới bản chất bên trong chứ không thể chỉ nhìn vẻ bề ngoài vì nó dễ khiến ta sai lầm, mù quáng. Ý thức được sâu sắc về tầm quan trọng trong việc khuyên con người về cách nhìn nhân dân ta còn đúc rút thêm “Cái nết đánh chết cái đẹp”.
Tục ngữ vốn mang trong mình nhiều tầng ý bao gồm cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tầng nghĩa bóng mới mang thông điệp mà ông cha muốn gửi gắm. “Cái nết” được hiểu như tính nết, tính cách, bản chất. Ở đây “nết” đại diện cho ý nghĩa về chất lượng bên trong của sự vật và bản chất tốt đẹp của con người, còn “cái đẹp” chính là vẻ ngoài, hình thức. Nói rằng “Cái nết đánh chết cái đẹp” chính là việc đánh giá cao bản chất bên trong của sự vật, sự việc, hiện tượng, con người. Khi nhìn nhận chúng ta không nên chỉ thấy vẻ ngoài hào nhoáng mà cần phải quan sát để thấy được bản chất bên trong.
Cũng cùng ý nghĩa đó nhân dân còn có câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Gỗ cũng chỉ bản chất bên trong còn nước sơn chính là vẻ ngoài. Vẻ ngoài hào nhoáng chỉ để đánh lừa thị giác. Điều quan trọng chính là chất liệu tốt mới có thể dùng được lâu dài.
Vì sao lại nói “Cái nết đánh chết cái đẹp”? Bởi nhiều khi vẻ bề ngoài hào nhoáng của một vật dụng, của một con người có thể khiến chúng ta mù quáng thích thú mà không chú ý đến thực tế bên trong chất liệu cũng như tính cách. Chúng ta cứ ngỡ rằng vẻ bề ngoài đẹp thì bên trong cũng sẽ tốt ai ngờ sau đó phải nếm trải cảm giác hối hận. Thà rằng một vật có chất liệu tốt nhưng vẻ bề ngoài không được bắt mắt nhưng nó bền lâu và có ích còn hơn một vật có nước sơn đẹp nhưng chất liệu không chắc chắn khiến ta phải bỏ đi ngay sau đó. Đối với con người cũng vậy. Một người có thể không đẹp bề ngoài nhưng họ tốt, nhiệt thành còn hơn một người bóng bẩy chỉ chăm lo vẻ bề ngoài mà nhân cách xấu xa, ích kỉ. Câu tục ngữ thật sự đúng đắn khuyên răn ta về cách nhìn nhận vào bản chất thực tế của sự vật, hiện tượng, con người.
Trong cuộc sống có rất nhiều tấm gương minh chứng cho câu tục ngữ này, ta lấy ví dụ điển hình là Hồ Chí Minh vị cha già của dân tộc, người đã dành cả một đời để vì nước vì dân. Bác tuy là một chủ tịch nước nhưng lại có lối sống hết sức giản dị, khiêm tốn. Hình ảnh của Bác hiện lên lúc nào cũng là bộ quần áo nâu và đôi dép cao su. Nếu chỉ nhìn bề ngoài như vậy khó ai có thể nhận ra Bác là người đứng đầu cả một đất nước nhưng ẩn sau vẻ dung dị ấy lại là cả một nhân cách lớn, một tư tưởng vĩ đại soi sáng muôn đời.
Hay câu chuyện “Chuyện nồi cơm của Khổng Tử”, Khổng Tử dẫn học trò của mình đi học hỏi khắp thiên hạ từ nước Lỗ sang nước Tề. Thời điểm đó nhân dân đang vô cùng đói khát. Vượt qua mọi khó khăn học trò của Khổng Tử vẫn một lòng theo thầy. May thay sang nước Tề họ được cho gạo nấu cơm. Khổng Tử cử học trò mà mình đánh giá cao nhất là Nhan Hồi đi nấu. Trong lúc đọc sách và nhìn xuống bếp Khổng Tử thất vọng khi thấy Nhan Hồi mở vung xoong. Ông cho rằng Nhan Hồi vụng thầy vụng bạn nhưng Khổng Tử sau đó mới biết Nhan Hồi ăn hết phần cơm bụi bẩn đã bị dính tro bếp. Qua câu chuyện ta một lần nữa thấy được rằng cần phải đánh giá con người ở sâu xa bên trong chứ không thể nhìn vẻ bề ngoài được.
Tuy nhiên trong cuộc sống ta vẫn bắt gặp những trường hợp vật dụng cũng như con người đẹp người đẹp cả nết. Đó là điều vô cùng tốt, là sự tổng hòa giữa cả hai yếu tố nội dung và hình thức.
Bằng lối nói giản dị nhân dân ta đã đem đến bài học sâu sắc về cách nhìn người nhìn đời giúp cho ta có thêm hành trang tự tin bước vào đời.
Lan Anh