Đề bài: Giải thích và chứng minh câu tục ngữ: “Học đi đôi với hành”
Bài làm
Như chúng ta đã biết, học tập là quá trình liên tục và kéo dài mãi giống như Lê – nin đã từng nói: “Học, học nữa, học mãi”. Tuy nhiên học như thế nào cho hiệu quả, học như thế nào cho đúng thì cha ông ta cũng đã đúc rút kinh nghiệm về học tập qua câu tục ngữ: “Học đi đôi với hành”.
Tri thức của nhân loại như một chân trời mới không có điểm dừng, lớn lao và kéo dài vô tận. Để tiếp cần với nguồn tri thức đó không có cách nào khác ngoài học. Học là quá trình tiếp thu kiến thức của nhân loại được phân chia thành kiến thức về khoa học tự nhiên và xã hôi, tương ứng với nó là những kĩ năng áp dụng với thực tiễn. Quá trình học tập giúp con người gia tăng sự hiểu biết, trang bị cho bản thân những kiến thức, kĩ năng để tham gia vào những hoạt động lao động, sản xuất đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Tuy nghiên việc “học” ở đây gắn liền với cái lí thuyết sách vở mà ở các trường học thì người được xem là học giỏi là những người nắm được lí thuyết. Người học giỏi kiểu đó không thì sẽ chỉ là người đạt được thành tích cao trong học tập mà cái cái mỗi chúng ta cần, cái mục đích của việc học này không phải nắm lấy một vớ lí thuyết suông mà là việc ứng dụng nó vào những điều, những việc trong thực tiễn. Vì thế bên cạnh “học”thì “hành” là rất quan trọng.
“Hành” là thực hành, là ứng dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống. Là đem những lý thuyết để kiểm chứng trong thực tế và làm cho nó sinh động hơn, là sáng tạo để khiến nó trở thành cái của mình, mang màu sắc riêng của bản thân. Chính vì thế thực hành gồm nhiều cấp độ khác nhau. Từ cái thấp nhất đó là bắt chước, đây là hành vi mà chúng ta đã thực hiện khi còn là đứa trẻ tới lúc lớn lên bước ra ngoài xã hội đó là làm lại theo những gì người khác làm, hay những gì có trong trí nhớ. Từ những bắt chước đó xây dựng cho chúng ta cơ sở nhận định những cái hợp lí hay không hợp lí với thực tiễn, với cá nhân mình để thay đổi, sáng tạo thành những cách thức mới…
Như vậy trong học tập tại sao cần “Học đi đôi với hành”? Bởi học tập là thực hành có mối quan hệ mật thiết, bổ sung cho nhau. Như ta đã biết nếu chỉ học lý thuyết mà không thực hành thì đó chỉ là những lý thuyết suông được xếp xó trong một góc nào đó của bộ não và dần dần trở nên phai mờ. Những trường hợp đó ta bắt gặp rất nhiều, nhất là trên những đấu trường quốc tế tại các cuộc thi học sinh giỏi, các thí sinh Việt Nam làm bài thi lý thuyết rất xuất sắc. Tuy nhiên khi tiến hành thực hành thì lại loay hoay, không biết cách làm. Hay nói gần hơn, ở các trường học nhiều học sinh đạt kết quả học tập cao nhưng lại không biết cách giao tiếp, ứng xử. Thay vì tự tin với kiến thức mình có để giao tiếp nhằm giao lưu, học hỏi vởi mọi người thì những học sinh đó lại thu mình, ít hay sợ giao tiếp với bên ngoài. Nó cũng giống như một học sinh giỏi văn nhưng không thể tự viết một lá đơn xin việc, hay không thể tự tin đối mặt với một buổi phỏng vấn. So sánh một cách đơn giản, khi một người có thể lưu loát nói, viết ra quy trình để cắm một nồi cơm, tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện lại không thể phân biệt được những vật dụng để cắm cơm, không biết cách ước lượng mức nước phù hợp. Học như vậy chỉ làm phí phạm thời gian, tiền bạc và công sức của mỗi chúng ta. Trái lại, thực hành không chỉ góp phần củng cố và còn giúp ta trau dồi, tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân. Qua quá trình thực hành, có rất nhiều điều, nhiều khả năng xảy ra mà lý thuyết không hề đề cập tới qua cách xử lý những biến cố đó giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm đối mặt và bản năng tìm tòi, giải quyết.
Qua những phân tích trên có thể thấy “Học đi đôi với hành”là câu tục ngữ vô cùng đúng đắn, là bài học sâu sắc cho cả thế hệ bây giờ và mai sau. Học phải đi đôi với thực hành để có thể hoàn thiện, lưu giữ kiến thức lâu hơn cho bản thân. Có như vậy mỗi người mới có thể làm chủ tri thức của bản thân để hoàn thành công việc, mang lại những điều có ích cho bản thân, gia đình và cả xã hội.
Mai Du
Từ khóa tìm kiếm:
- https://tailieuvietnam com/giai-thich-va-chung-minh-cau-tuc-ngu-hoc-di-doi-voi-hanh