Phân tích hình ảnh nhân vật trữ tình trong bài thơ Đò lèn của Nguyễn Duy
Bài làm
Nguyễn Duy là gương mặt tiêu biểu của thơ ca hiện đại Việt Nam giai đoạn sau 1975. Thơ ông vừa chứa đựng những cảm xúc chân thành vừa thể hiện những suy tư sâu lắng về cuộc đời, con người. Bài thơ “Đò Lèn” trích trong tập thơ “Ánh trăng” là một trong những sáng tác đặc sắc của ông ghi lại những mảnh kí ức về một thời thơ ấu, đặc biệt nhân vật trữ tình trong bài thơ đã đem đến những suy tư sâu lắng về cuộc đời và con người.
Nguyễn Duy nổi tiếng với lối viết hướng về cái đẹp giản dị quanh mình, phát hiện trong thế giới ấy sự gắn kết của những giá trị vĩnh hằng. Được chấp bút và hoàn thành vào năm 1983, 8 năm sau khi đất nước ta giành độc lập, bài thơ là dòng kí ức của nhà thơ về một thời thơ ấu cơ cực mà ấm áp bên bà, gửi vào đó những suy ngẫm và triết lí sâu sắc. Để thể hiện những suy tư đó, tác giả đã dựng nên hình ảnh nhân vật trữ tình – một cậu bé hiếu động, nghịch ngợm cũng là hình ảnh thuở nhỏ của chính ông. Nhân vật đó đã để lại dư ba trong tâm trí người đọc, gửi lại đó những dòng suy tưởng về con người và cuộc đời.
Mở đầu tác phẩm là hình ảnh nhân vật trữ tình thuở còn thơ bé:
- “Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
- níu váy bà đi chợ Bình Lâm
- bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
- và đôi khi ăn trộm nhã ở chùa Trần”
Nhà thơ sử dụng biện pháp liệt kê để nói những lời tự thú, chân thành của thuở nhỏ. Nhân vật trữ tình hiện lên với phong thái hiếu động và nghịch ngợm của một cậu bé vùng quê với những việc làm rất hồn nhiên và vô tư: câu cá, theo bà đi chợ, bắt chim sẻ, ăn trộm nhãn. Đó phải chăng cũng chính là dòng hồi tưởng của nhà thơ về thuở thiếu thời nghịch ngợm, vô ưu vô lo với cuộc sống miền quê dân dã, được bảo bọc trong vòng tay gia đình và tâm hồn đầy ắp những niềm vui:
- “Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
- chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
- mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
- điệu hát văn lảo đảo bóng cô hồn”
Có lẽ vì lớn lên trong sự săn sóc tỉ mỉ của người bà nên dù nghèo khổ và khó khăn, cậu bé vẫn sống hồn nhiên, đắm mình trong bầu không khí cổ tích với hương huệ trắng thoang thoảng mà thanh tao, hương trầm, tiên phật, thánh hiền thiêng liêng đến lạ. Có thể nói rằng nhân vật trữ tình ở đây dù có một tuổi thơ cơ cực nhưng chưa hề thiếu thốn tình cảm tinh thần. Cậu bé đó vẫn vô tư, hồn nhiên với tấm lòng con trẻ, vẫn ngày ngày đắm mình trong bầu không gian huyền hoặc của cổ tích xa xưa. Cái nhìn trong trẻo của nhân vật “tôi” đã đồng nhất thực và ảo, con người hầu đồng và thần tiên trong cổ tích để có một tuổi thơ trọn vẹn.
Có lẽ cũng vì hồn nhiên, ngây thơ mà cậu đã quên mất sự cơ cực và vất vả của người bà:
- “Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
- bà mò cua xúc tép ở đồng Quan”
Rồi những năm đói kém đi về trong kí ức của cậu bé vẫn không thể thôi quên được hương huệ trắng thanh khiết như tấm lòng trẻ thơ của cậu, bởi lẽ dẫu cuộc sống có vất vả trăm bề thì cậu vẫn chưa bao giờ thôi hạnh phúc. Bom đạn và cái đói, cái nghèo có thể cướp đi miếng ăn, nhà cửa nhưng không thể cướp đi cái trong veo của tâm hồn. Nhân vật “tôi” đi giữa hai miền hư thực để sống với thế giới cổ tích, có bà tiên và Phật, thánh, thần, để sống trọn với tuổi thơ dẫu có bất hạnh tới nhường nào.
Tuổi trưởng thành tới cũng là lúc thế giới hồ ảo đó tan biến để trở về với thực tại. Bom Mĩ dội, nhà bà bay mất khiến nhân vật “tôi” bừng tỉnh:
- “Bom Mĩ dội, nhà bà tôi bay mất
- đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền”
Bầu trời cổ tích vỡ tan và hiện thực nghiệt ngã của cuộc đời bước ra: “bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn”. Sự bừng tỉnh ấy đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời nhân vật trữ tình: cậu bé hồn nhiên, trong sáng bước khỏi tuổi thơ để nhìn hình ảnh bà trong cuộc sống hiện thực, bước ra tuổi trưởng thành để thấu rõ hơn thực tại nghiệt ngã và thấu hiểu nỗi cơ cực của người bà. Người cháu đó rời miền quê thân thương để bước chân vào mặt trận, bởi lúc đó cậu đã ý thức được trách nhiệm của mình: gìn giữ thế giới thần tiên cho trẻ thơ và bảo vệ cuộc sống bình yên cho người bà:
- “Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
- dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi
- khi tôi biết thương bà thì đã muộn
- bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi”
Sự bừng ngộ khi trở về đứng trước nấm mộ đơn sơ và nhỏ bé của mình, nhân vật trữ tình dành niềm tiếc thương vô hạn của mình cho người bà đã khuất. Dòng sông bên lở bên bồi là tượng trưng cho dòng đời hai bên được mất, con người ta luôn đi giữa ranh giới đó, lúc mất, khi được bởi trời đất bao la sẵn sàng lấy đi bất cứ thứ gì, cũng có thể trao cho ta bất cứ điều gì. Lúc tuổi trưởng thành đến đưa cho đứa cháu tấm lòng biết thương bà, biết ơn bà thì cũng là lúc dòng đời lấy đi người bà mà cháu đã gắn bó từ thuở ấu thơ. “Nấm mộ” nhỏ bé của bà là ẩn dụ cho sự hữu hạn và nhỏ bé của con người trước cuộc đời, cũng là lời nhắc nhở của tác giả rằng đừng vô tâm với những gì đang có, hãy biết nâng niu những gì quý giá xung quanh để không phải nuối tiếc, ân hận. Nhân vật trữ tình là tấm gương phản chiếu của chính nhà thơ, cũng là sự thức nhận của chính Nguyễn Duy về những điều tưởng như tầm thường, nhỏ nhặt trên đời mà lại mang ý nghĩa sâu sắc. Thơ Nguyễn Duy xưa nay vẫn mang đậm triết lí như vậy.
Xây dựng hình ảnh nhân vật trữ tình với nguyên tác bản thân, Nguyễn Duy đã khơi sâu vào lòng người đọc những liên tưởng sâu xa và mới mẻ. Bài thơ như lời bộc bạch rất tự nhiên của chính tác giả về cuộc đời của mình, gửi gắm những triết lí và nhắc nhở con người hãy sống và trân trọng những giá trị vĩnh hằng xung quanh mình để không phải nuối tiếc, ân hận.
Có những bài thơ đi cùng năm tháng nhờ những giá trị tự thân của nó. “Đò Lèn” của Nguyễn Duy cũng sẽ ghi dấu ấn vào thời gian, vào lòng người nhờ những triết lí sâu sắc mà tác giả đã dày công gửi gắm.
Từ khóa tìm kiếm:
- https://tailieuvietnam com/phan-tich-hinh-anh-nhan-vat-tru-tinh-trong-bai-tho-do-len-cua-nguyen-duy