Đề bài: Suy nghĩ của em về bạo lực học đường
Bài làm
Người ta vẫn thường nói quãng thời gian tươi đẹp nhất là tuổi học trò. Bởi đó là quãng thời gian đầy sự trong trẻo, thơ ngây và tràn ngập những tiếng cười của các cô, cậu học trò. Nhưng giờ đây quãng thời gian tươi đẹp ấy lại trở nên vô cùng xấu xí bởi vấn nạn bạo lực học đường.
Trước đây, chúng ta thường có tâm lý chủ quan nghĩ rằng bạo lực học đường là một vấn đề hết sức xa xôi, không xảy ra phổ biến bởi dưới sự quản lí bằng những quy định của nhà trường, sự giám sát nghiêm ngặt của giáo viên chủ nhiệm thì điều đó là không thể. Song thời gian gần đây, bạo lực học đường đã có những chiều hướng gia tăng, phát triển phức tạp và trở thành một vấn đề nóng bỏng, một vấn nạn nhức nhối khiến mọi người không khỏi bàng hoàng, kinh ngạc. Hằng ngày chúng ta đều thấy trên tivi, các trang báo vẫn đăng không ít những vụ việc liên quan tới vấn nạn bạo lực học đường. Phải chăng đó chính là một hồi chuông đáng báo động cảnh tỉnh chúng ta, toàn xã hội. Đứng trước thực trạng đó mỗi chúng ta cần có nhận thức và hành động như thế nào?
Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học. Hành vi này càng ngày càng phổ biến. Nếu bạn là một người hay quan tâm theo dõi báo chí và thời sự bạn sẽ đọc được những tin tức về bạo lực học đường. Hoặc nếu bạn là một người rành về công nghệ thì chỉ cần một thao tác rất nhanh trên google bạn có thể tìm thấy hàng loạt các clip bạo lực của học sinh. Ví như: Tại Thanh Hóa, một đoạn clip được tung lên mạng xã hội ghi lại cảnh 1 nữ sinh bị 2 bạn nữ khác tát, đá vào mặt khiến cô gái bất tỉnh tại chỗ. Các học sinh được xác định đang học tại Trường THPT Cẩm Thủy 3 (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa). Nguyên nhân ban đầu do nảy sinh mâu thuẫn giữa hai bên.Hai nữ sinh trong clip đánh bạn được cho là cá biệt của trường. Các em này liên tục tổ chức gây gổ đánh bạn. Tại thời điểm hai nữ sinh này đánh bạn như trong clip, nhà trường cũng đang cho họp hội đồng để đưa ra hình thức kỷ luật đối với hai nữ sinh này vì trước đó cũng vừa có hành vi đánh nhau. Hay như: Vào ngày 24/10 trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip cho thấy nhóm học sinh gồm 5 em đánh đập một nam sinh rất dã man khiến em này phải khóc lóc van xin. Chưa hết, một trong số nam sinh kia còn tè bậy trước mặt nạn nhân. Các học sinh tham gia đánh bạn được xác định, đều là học sinh lớp 7A của trường THCS Minh Tân (Kinh Môn, Hải Dương). Trong đó, em học sinh bị đánh dưới sự chỉ đạo của hai học sinh lớp 11 của hai trường THPT khác trên địa bàn. Hàng ngày em học sinh đó phải nộp 5- 6 nghìn đồng để một nhóm học sinh khác ăn sáng. Ngày 10/10, do không có tiền đóng nên em bị một nhóm học sinh cùng trường tổ chức đánh hội đồng dưới sự chỉ đạo của hai nam sinh THPT trên.
Bạo lực học đường không chỉ diễn ra giữa những học sinh với nhau mà còn giữa mối quan hệ giữa thầy và trò. Không ít những vụ việc học sinh hành hung giáo viên của mình như: Tại trường Trần Quang Khải (Thành phố Hồ Chí Minh) một nam sinh bị giáo viên Văn nhắc nhở về việc không hoàn thành bài tập về nhà. Ngay lập tức nam sinh đó đã có hành vi đáp trả lại bằng cách dùng chân bình nước trong lớp hành hung giáo viên. Nhưng do được bạn bè cùng lớp ngăn cản nên nam sinh đó đã bỏ về. Hoặc ngược lại đó là hành vi không chuẩn mực của nhà giáo đối với học sinh. Một vụ việc điển hình khiến mọi người không khỏi bức xúc đó là việc: Một học sinh lớp 1, điểm lẻ trường tiểu học xã Phìn Ngan (Bát Xát, Lào Cai) bị cô giáo dùng thước kẻ, gậy tre, điện thại đánh tím mặt mũi trong giờ học do em này viết sai chính tả và viết chậm. Đáng nói hơn trước đó cô giáo này cũng đã cư xử không đúng mực với em học sinh này.
Những ví dụ ở trên đã cho ta thấy về mức độ phổ biến và ngày càng trầm trọng của vấn nạn này. Hậu quả mà nó để lại là vô cùng nghiêm trọng. Trước tiên nó ảnh hưởng trực tiếp gây tổn thương về thể xác và tinh thần của người bị bạo hành. Trở thành một ám ảnh về tâm lí không thể nào xóa nhòa khiến cho người bị bạo hành luôn lo sợ. Đồng thời bên cạnh đó nó còn tạo tính bất ổn trong xã hội: tâm lí lo lắng bất an bao trùm từ gia đình, nhà trường, đến xã hội. Còn đối với người gây ra bạo lực thì sẽ biến họ trở thành con người phát triển không toàn diện,mất dần sự phát triển nhân tính mà đi ngược trở lại phía “con”, đi ngược lại tính “ người”. Họ tự làm hỏng tương lại chính mình, gây nguy hại cho xã hội bởi những việc làm của họ bị mọi người lên án; bị xã hội xa lánh, căm ghét.
Nhưng bởi tại đâu mà bạo lực học đường lại có thể lây lan nhanh một cách đáng sợ như vậy. Trước tiên cần phải nêu lên nguyên nhân chủ quan bởi sự phát triển thiếu toàn diện, thiếu hụt về nhân cách, thiếu khả năng kiểm soát hành vi ứng xử của bản thân, non nớt trong kĩ năng sống, sai lệch trong quan điểm sống của mỗi cá nhân gây bạo lực. Bên cạnh đó là những nguyên nhân khách quan như: Do ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bạo lực: phim, ảnh, sách, báo, những trò chơi mang tính bạo lực (kiếm, súng…) cao. Và đáng nói hơn cả, đáng lưu ý hơn cả là sự giáo dục chưa đúng đắn, thiếu quan tâm của gia đình. Tình trạng bạo lực trong gia đình cũng là một phần nhân tố ảnh hưởng không tốt bởi gây ảnh hưởng tâm lí, hình thành tâm lí ưa bạo lực. Và một khi bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại thì bạo lực học đường sẽ vẫn còn có nguy cơ gia tang. Còn cả sự giáo dục trong nhà trường vẫn còn nặng về dạy kiến thức văn hóa, đôi khi lãng quên nhiệm vụ giáo dục con người “tiên học lễ hậu học văn”, dạy kĩ năng sống cho học sinh. Cuối cùng là sự thờ ơ, dửng dưng, của xã hội trước những hành vi đó.
Nắm bắt được thực trạng, hậu quả và nguyên nhân vậy chúng ta nên làm như thế nào để có thể giảm bớt thậm chí đẩy lùi vấn nạn này. Điều đó phụ thuộc trước tiên vào mỗi chúng ta cần phải tránh xa vấn nạn này, tự tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, giữ cho mình trái tim đầy tình yêu thương mọi người. Đồng thời có thái độ quyết liệt phê phán, tố cáo những hành vi bạo lực. Sau đó, nhà trường và xã hội cần có những giải pháp đồng bộ, chặt chẽ giáo dục con người trong gia đình, nhà trường, trong toàn xã hội; coi trọng dạy kĩ năng sống, vươn tới những điều chân thiện mỹ. Xử lí, răn đe, lỉ luật cao đối với những người gây ra bạo lực.
Bạo lực học đường là một vấn nạn xấu, nó sẽ là một “con sâu” đục khoét cuộc sống tươi đẹp của chúng ta, sẽ hủy hoại những mầm non tương lai của đất nước. Chính vì vậy chúng ta hãy cùng chung tay xóa sổ vấn nạn này vì một học đường lành mạnh.
Họa Tâm