Đề bài: Suy nghĩ của em về câu "Có học mới nên khôn"
Bài làm
Ai đó đã từng nói kiến thức mà chúng ta biết chỉ như giọt nước giữa đại dương bao la. Quả thực như vậy, thế giới ngoài kia rộng lớn còn ẩn chứa bao tri thức mà ta chưa biết đến đang đợi ta khám phá, và cách duy nhất để tiếp cận những tri thức đó là học. Như ông cha ta đã từng đúc kết “Có học mới nên khôn” như lời khuyên răn con cháu phải chú tâm học hành lĩnh hội tri thức nhân loại.
“Khôn” có thể hiểu là trí khôn, là hiểu biết, là trí tuệ về cách hành xử trong cuộc sống và tri thức về mọi vật quanh ta. Tồn tại dưới dạng phi vật thể, chúng ta không thể nhìn hay cầm nắm chúng song vẫn có thể tiếp cận chúng qua một quá trình gọi là “học” – quá trình mà thông qua sách vở hay những bài giảng của thầy cô mà chúng ta tiếp cận và lưu giữ những tri thức bổ ích, quý báu vào bộ não của mình.
Trong xã hội xưa, khi việc đến trường học còn vô cùng khó khăn thì những nho sinh, thầy đồ, những con người biết cái chữ, đọc sách thánh hiền được cả xã hội kính nể, trọng vọng hơn cả những thương nhân giàu có, của cải không đếm xuể vì những tri thức mà họ biết, vì cách hành xử “có học” trong cuộc sống hằng ngày. Quả thực, khi mà những con người gần như cả đời chỉ quanh quẩn quanh luỹ tre làng, thế giới rộng lớn phong phú ngoài kia như thế nào họ không hề hay biết thì tri thức qua những bài giảng, lời kể của những người đọc sách hay đã từng tiếp xúc với thế giới bên ngoài đó lạ lẫm song cũng hết mực thu hút họ, như mở ra cho họ một chân trời tưởng tượng rộng hơn nhiều luỹ tre làng đã quá quen thuộc kia. Vì vậy họ khuyên răn con cháu mình “Có học mới nên khôn”.
Suy nghĩ của em về câu "Có học mới nên khôn" [/ caption]
Thời gian thoi đưa, xã hội phong kiến lạc hậu cũ bây giờ đã được thay bằng xã hội hiện đại hơn nhiều song câu tục ngữ “Có học mới nên khôn” vẫn giữ nguyên giá trị, bài học quý giá như ngày nào. Xã hội ngày càng phát triển, các ngành nghề lĩnh vực cũng không dậm chân tại chỗ mà cũng phát triển biến đổi không ngừng, ngày càng nhiều tri thức mới được các nhà khoa học tìm ra, các quốc gia không ngừng áp dụng tri thức, kĩ thuật mới để phát triển đất nước, tham gia vào cuộc chạy đua không ngừng nghỉ tranh vị thế cao hơn trên trường quốc tế mà bước đầu tiên và đóng vai trò quyết định là giáo dục đào tạo cho công dân của họ những tri thức cần thiết để sau này vững bước trên cuộc đua đó.
Là một học sinh – mầm non tương lai của đất nước, em và các bạn càng nhận ra nhiệm vụ quan trọng của bản thân là gắng sức học hành để trước hết là hoàn thiện bản thân, trở thành một con người có ích cho xã hội, sau là sau này sẽ góp phần sức lực nhỏ của bản thân vào quá trình xây dựng và phát triển nước nhà như lời Bác Hồ từng căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các em.”
Để không phụ long kì vọng của bố mẹ và xã hội, em sẽ gắng sức học tập trên lớp và đọc thêm sách vở để gặt hái thêm tri thức bên ngoài thế giới rộng lớn. Bên cạnh đó em cũng sẽ cố gắng rèn luyện đạo đức, có thái độ ứng xử đúng đắn với mọi người, tránh xa cái xấu và chung tay cùng mọi người lên án và bài trừ cái xấu ra khỏi xã hội để trở thành một con người không chỉ giỏi về tri thức mà còn giỏi về đạo đức, “đủ đức đủ tài” như lời Bác dạy.
Thời thế dẫu thay đổi song bài học mà câu “Có học mới nên khôn” vẫn giữ nguyên và thậm chí tăng giá trị theo thời gian, là bài học cho tất cả chúng ta phải chú tâm học hành, trở thành một con người có ích cho xã hội, hoàn thiện cả tài năng và đạo đức.
Anh Vân