Đề bài: Suy nghĩ của em về câu tục ngữ “Chết trong hơn sống đục”
Bài làm
Đối với nhiều người, danh dự là tài sản vô hình song quý giá nhất, họ có thể không cần vật chất tiền bạc song không bao giờ đánh mất đi danh dự của bản thân mình. Từ xa xưa, ông cha ta đã có câu “Chết trong hơn sống đục” khuyên bảo con cháu mình phải luôn giữ danh dự, trong sạch cho bản thân.
Đầu tiên, “chết trong” là dám chấp nhận đánh đổi cả mạng sống của mình để giữ lòng thiện,không thay đổi chí hướng, trọng danh dự hơn mạng sống của bản thân. Còn “sống đục” là cách sống của loại người tiểu nhân bỉ ổi, sẵn sàng bán rẻ danh dự lương tâm để vơ vét chút lợi lộc cho riêng mình. Bằng lối so sánh giữa “chết trong” và “sống đục”, ta có thể nhận ra mối quan hệ giữa danh – lợi, tinh thần – vật chất có ý nghĩa to lớn, quan hệ đến sự sống – cái chết của con người. Câu tục ngữ này hướng chúng ta đến một cách sống biết tự trọng của một con người có nhân cách, danh dự.
Thực tế lịch sử đã chỉ cho chúng ta bao tấm gương “Chết trong hơn sống đục”, sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống để giữ trọn danh dự như những người lính bộ đội cụ Hồ trước mưa bom bão đạn của quân thù vẫn dũng cảm tiến lên bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc thân yêu. Thân thể con người là thứ quý giá vì con người ta chỉ sống một lần trên cõi đời song với các anh, giữa bảo toàn tính mạng, ngày ngày sống nhẫn nhục dưới những luật lệ phi lý của kẻ xâm lược trên chính quê hương mình và cầm súng ra nơi chiến trường, đem mạng sống của bản thân ra đánh cược với Thần Chết, các anh đã không ngần ngại chọn vế sau. Tính mạng của bản thân tiếc gì khi quê hương bị xâm lược, dân tộc bị đàn áp. Đó là những tấm gương sáng đời đời biết ơn và noi theo, thân xác không còn nhưng tên tuổi các anh sẽ còn mãi với non sông nước nhà. Bên cạnh đó cũng không khó để chúng ta chỉ ra những kẻ thà “sống đục” để bảo vệ lợi ích của bản thân. Đó là những tên bán nước, gián điệp sẵn sàng theo giặc để bảo vệ mạng sống và kiếm được chút lợi ích bẩn thỉu.
Cuộc sống ngày một thay đổi, có thể nói giữa xã hội bộn bề ngày nay, vật chất đóng vai trò ngày càng quan trọng và có thể nói là tiên quyết với nhiều vấn đề, trước những cám dỗ lợi ích tiền bạc và danh vọng, để “chết trong hơn sống đục” thực sự khó hơn nhiều. Biết bao trường hợp tham nhũng, lừa đảo, suy thoái đạo đức được báo đài đưa tin hằng ngày khiến người xem chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Song như bông sen tinh khiết mọc lên giữa bùn lầy dơ bẩn, đâu đó vẫn còn những tâm gương sáng mà chúng ta phải than phục, noi theo.
Bên cạnh đó cũng có những ý kiến trái chiều với quan điểm “Chết trong hơn sống đục” này, đó là “Nước trong thì không có cá”, những con người quá ngay thẳng, thanh liêm thì sẽ chẳng bao giờ thu về được cho mình lợi ích lớn lao. Song của cải vật chất là vật ngoài thân, nó dễ đến và cũng dễ đi, chỉ có danh tiếng là ngàn đời còn mãi. Em nghĩ rằng bỏ qua chút lợi nhỏ trước mắt để đạt được thành tựu to lớn hơn là việc làm khôn ngoan, đúng đắn.
Trong thời bình ngày nay, để thực hiện lối sống “Chết trong hơn sống đục”, chúng ta không cần phải hi sinh tính mạng cho quốc gia, nước nhà như ông cha ta đã làm trong thời chiến mà chỉ cần rèn cho mình lối sống ngay thẳng, tránh xa cái xấu trong xã hội, không để danh vọng và đồng tiền làm mờ mắt. Đồng thời biết lên án các hành vi sai trái, không bao che dung túng để điều xấu lộng hành. Không dễ dàng song chúng ta hãy gắng sức chung tay hành động vì một xã hội trong sạch, nơi cái xấu được đẩy lùi.
Câu tục ngữ “Chết trong hơn sống đục” qua mỗi giai đoạn lịch sử mà rút ra cho chúng ta mỗi bài học kinh nghiệm khác nhau, với chúng ta ngày nay nó như lời cảnh tỉnh trước những cám dỗ mù quáng, ngăn bước chân ta rơi xuống vực sâu tội lỗi.
Anh Vân