Đề bài: Suy nghĩ của em về câu tục ngữ “Có học phải có hạnh”
Bài làm
Tài năng là một điểm nổi bật của con người bởi một con người có tài năng có thể làm nên nhiều điều lớn lao hay có sức ảnh hưởng trong xã hội. Nhưng một con người có tài năng cũng sẽ không được mọi người kính nể nếu không có đạo đức bởi không một ai có thể ưa thích một người dẫu tài giỏi song không biết cách đối nhân xử thế. Chính vì vậy từ lâu người xưa đã răn dạy con cháu mình rằng: “Có học phải có hạnh”.
Trước hết, “có học” tức là được đến trường, được học hỏi tri thức và sau trở thành những con người có kiến thức, hiểu biết mà đỉnh cao là tài năng. “Hạnh” là hạnh kiểm, là đạo đức của mỗi con người, nếu như kiến thức gần như chỉ được dạy ở trường lớp và chúng ta phải cố gắng ghi nhớ chúng trong đầu thì chúng ta có thể học “hạnh” cả trên lớp học và trong xã hội, chúng ta ghi nhớ và duy trì nó bằng cách thực hành những hành vi cử chỉ thoả đáng với mọi người xung quanh sao cho không một ai không hài lòng hay phản cảm với chúng ta. Thường thì bên cạnh những bài học kiến thức thì trường học còn dạy những bài học đạo đức và chúng ta – những con người được tiếp thu nền giáo dục tiên tiến hiện nay, đã hình thành cho mình hướng đi nhận thức thì bên cạnh việc chăm chỉ tiếp thu kiến thức còn cần phải tự rèn luyện đạo đức cho bản thân. Đó cũng là thông điệp mà câu tục ngữ này muốn nhắn nhủ tới chúng ta chúng ta.
Khi một đứa trẻ bắt đầu có nhận thức với thế giới xung quanh thì chúng đã được ông bà cha mẹ dạy dỗ và uốn nắn những bài học đầu tiên về đạo đức. Càng lớn dần, khi chúng được đến trường, bên cạnh kiến thức, những bài học đạo đức mà chúng được dạy cũng nhiều hơn. Nếu kiến thức là một đại dương bao la thì đạo đức chính là bầu trời của đại dương đó – luôn song hành không bao giờ tách rời.
Trong quá khứ, những ông đồ, thầy Nho được cả xã hội trọng vọng vì không chỉ kiến thức mà họ có thông qua những quyển sách thánh hiền mà còn bởi cử chỉ nho nhã, bởi cách đối nhân xử thế thoả đáng của họ. Khi mà nhân dân chủ yếu còn là những người nông dân chân lấm tay bùn quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời thì những con người “có học” ấy đáng nể trọng biết bao. Đến ngày nay, học thức và đạo đức vẫn là hai thứ không thể tách rời. Bác Hồ từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Quả đúng như vậy, khi việc đến trường được phổ cập đến toàn dân, ai cũng biết chữ, ai cũng có thể đạt được kiến thức thì số lượng người có tài cũng nhiều lên. Một người có tài năng song không có đạo đức sẽ bị mọi người khinh thường, bỏ qua, dù tài giỏi đến đâu cũng chỉ là “người vô dụng” mà thôi. Trái lại, một người dẫu không có tài cán gì nổi bật song biết cách đối nhân xử thế vẫn được mọi người yêu quý, có thể họ không làm nên việc lớn song nhờ đạo đức của mình mà có thể có được sự giúp đỡ của nhiều người xung quanh, chỉ là “làm việc gì cũng khó” chứ không phải làm không làm được điều gì.
Là một học sinh được tiếp thu nền giáo dục tiên tiến hiện đại, em hiểu nhiệm vụ của bản thân mình không chỉ là tiếp thu tri thức để trở thành người có tài mà còn phải rèn luyện đạo đức của bản thân bởi em biết rằng trong xã hội hiện đại, dù bản thân có tài giỏi thế nào đi chăng nữa nhưng đạo đức lại yếu kém thì cũng không được mọi người chấp nhận, thậm chí ghét bỏ và xa lánh.
Tài năng và đạo đức là hai mặt cần thiết của con người, chúng luôn phải đi song hành với nhau để giúp con người ta trở thành một người toàn diện. Chính vì vậy câu tục ngữ “Có học phải có hạnh” ra đời như kim chỉ nam chỉ hướng hành động cho mỗi chúng ta.
Anh Vân