Đề bài: Suy nghĩ của em về câu tục ngữ “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”
Bài làm
Mỗi một cá nhân tồn tại trong xã hội không thể sống biệt lập mà luôn luôn phải duy trì cho mình ít nhất một mối quan hệ với những người xung quanh, trong đó quan hệ gia đình là quan hệ gần gũi và quan trọng nhất. Như các cụ ta ngày xưa đã có câu “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” để đề cập đến mối quan hệ huyết thống này.
Máu là một trong những thành phần quan trọng cấu thành nên cơ thể của mỗi người bởi lượng máu mà cơ thể có là hữu hạn và con người ta có thể gặp nguy hiểm hay thậm chí là chết khi cơ thể đột ngột mất một lượng máu lớn. Nước lã là loại nước có thể bắt gặp ở bất kì ao hồ hay dòng sông nào, do đó nó nhiều và không quá quan trọng. Cơ thể khoẻ mạnh là tài sản quý giá nhất với bất kì một cá nhân nào, vì vậy không cần mất công suy nghĩ khi so sánh để đưa ra thứ quan trọng hơn giữa “máu đào” và “nước lã” bởi câu trả lời tất nhiên là “máu đào”. Và cũng bởi số lượng giữa cả hai mà có câu “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”.
Phát triển rộng ra, “máu đào” ở đây còn chỉ những người có quan hệ huyết thống gần gũi như anh, em, cô, dì, chú, bác,… còn “nước lã” là người dưng, những con người xa lạ không chung huyết thống. Thêm vào đó, các cụ đã rất tài tình khi dùng lượng từ tương phản là một giọt – một ao thể hiện sự đối lập rõ ràng, một nhỏ bé, một to lớn. Do đó “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” muốn nói rằng dẫu xung quanh chúng ta có bao nhiêu người dưng đi chăng nữa cũng không thể nào bằng được một người thân chảy chung dòng máu, qua đó đề cao tầm quan trọng của mối quan hệ huyết thống gia đình trong cuộc đời mỗi con người.
Gia đình là tổ ấm, là cái nôi nuôi ta khôn lớn và dạy ta những bài học đường đời đầu tiên. Trong vòng tay gia đình, chúng ta được là chính bản thân mình, được làm mọi điều mình thích. Có được điều đó là nhờ trong gia đình chúng ta có những người thân yêu nhất là ông bà, cha mẹ, anh chị em,…. Những người mà chấp nhận và bao dung cho mọi tính cách, hành động của chúng ta. Khi mệt mỏi với cuộc sống bon chen ngoài kia, nơi đầu tiên chúng ta nghĩ đến sẽ là gia đình và khi được về với gia đình mình rồi, mọi áp lực như được giải toả và tiếp thêm năng lượng để chúng ta tiếp tục chiến đấu. Có thể khẳng định rằng với mỗi một cá nhân, gia đình là điều quan nhất và các thành viên trong gia đình là những người gần gũi thân thiết nhất. Vì vậy, vun đắp tình cảm gia đình và giữ mối quan hệ thân thiết tốt đẹp với người thân trong gia đình là việc làm cần thiết của mỗi cá nhân.
Khi bạn gặp khó khăn, có thể bạn bè của bạn cũng sẽ lo lắng và cố gắng giúp bạn đấy, song người thân mới là những người đau lòng nhất, lo lắng nhất và dùng tất cả sức lực, khả năng của mình để giúp đỡ bạn. Có một câu tục ngữ là “Khác máu tanh lòng”, những người không chung huyết thống thì không bao giờ có thể có tình cảm sâu đậm như những người thân trong gia đình được.
Gia đình là điều thiêng liêng, là món quà quý giá mà chúng ta nhận được, song không như những món quà vật chất khác mà chúng ta có thể tuỳ ý sử dụng, với gia đình chúng ta luôn luôn phải cố gắng duy trì mối quan hệ thân thiết gần gũi với các thành viên khác để gắn kết gia đình. Song trong thực thế có những con người vì chạy theo danh vọng lợi ích mà xem nhẹ hay đánh mất tình cảm gia đình bởi với họ tình cảm là thứ không quan trọng bằng quyền lực và đồng tiền. Có thể lúc ấy họ sẽ hài lòng với cuộc sống của mình nhưng thời gian qua đi, rồi họ sẽ phải hối hận khi lúc hoạn nạn hay ốm đau không một người thân nào quan tâm hay chăm sóc cho họ, đó là quả báo mà những kẻ sống sai trái phải chịu.
Câu tục ngữ “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” không chỉ thể hiện truyền thống trân trọng mối quan hệ gia đình tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mà còn là bài học cho tất cả mọi người phải biết trân trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy.
Anh Vân
Từ khóa tìm kiếm:
- https://tailieuvietnam com/suy-nghi-cua-em-ve-cau-tuc-ngu-mot-giot-mau-dao-hon-ao-nuoc-la