Đề bài: Suy nghĩ của em về câu:“Dù ai nói ngả nói nghiêng. Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”
Bài làm
Trong suốt hành trình 4000 năm lịch sử, từ những trải nghiệm trong thực tế, ông cha ta đã đúc kết nên hàng nghìn kinh nghiệm cuộc sống quý giá và phần nhiều được ghi lại qua những câu ca dao tục ngữ dễ đọc, dễ nhớ, từ đó tạo nên một kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam đồ sộ và có thể nói được xem như kho báu vô giá mà những người đi trước để lại cho thế hệ sau chúng ta. Câu “Dù ai nói ngả nói nghiêng / Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân” là một phần nhỏ trong kho tàng khổng lồ đó.
“Kiềng ba chân” là một loại bếp để đun nấu ngày xưa, không dễ đổ như loại hai chân cũng không bị cập kênh như loại bốn chân, ba chân kiềng tạo thành một thế vững chắc dù bị đẩy cũng chỉ xê dịch vị trí chứ không bị đổ. Qua hình ảnh này, ông cha ta răn con cháu “Dù ai nói ngả nói nghiêng / Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân” – dẫu người đời có nói, bình luận như thế nào nhưng chỉ cần tin chắc những gì chúng ta làm là đúng đắn thì phải giữ vững niềm tin mặc miệng lưỡi người đời bên tai.
Có thể nói rằng dù trong thời đại nào, câu nói trên vẫn đúng và là một bài học quý giá cho tất cả chúng ta. Trước một sự việc, tuỳ theo góc độ nhìn nhận mà mỗi người sẽ có cái nhìn khác nhau, từ đó quan điểm ý kiến cũng khác nhau. Chắc hẳn các bạn chưa quên câu chuyện “Thầy bói xem voi”, năm ông thầy bói mù mỗi người chỉ sờ một bộ phận của con voi mà ai cũng cho rằng mình biết hình dạng con voi là như thế nào, kết cục là tranh cãi và đánh nhau toác đầu chảy máu. Chính vì vậy, ví dụ trước một công việc, nếu bạn nghe lời tất cả mọi người, công việc đó của bạn sẽ không hoàn thành thuận lợi hoặc thậm chí có lẽ sẽ chẳng bao giờ hoàn thành. Vì vậy, kiên định với ý kiến, quyết định của bản thân là điều rất quan trọng trong cuộc sống.
Song chúng ta cũng cần phân biệt giữa giữ vững ý kiến bản thân và bảo thủ không tiếp thu ý kiến đóng góp của người có kinh nghiệm. Giữ vững ý kiến của bản thân khi chúng ta đã hiểu rõ tường tận bản chất của sự việc và đã tìm ra được hướng giải quyết hoàn hảo nhất còn khi trước một sự việc mà chúng ta còn nghi vấn, băn khoăn thì lời khuyên của người từng trải là một gợi ý có giá trị. Mỗi sự việc khác nhau có cách giải quyết khác nhau vì vậy chúng ta cần linh hoạt trong giải quyết từng tình huống, khi thì phải cần kiên định với bản thân, khi thì nên tham khảo ý kiến của người khác, suy nghĩ và tìm ra biện pháp phù hợp nhất.
Là một người học sinh, em chưa cần phải suy nghĩ và quyết định việc lớn lao song em nghĩ em và các bạn có thể và nên rèn luyện đức tính này ngay từ khi còn nhỏ. Như Bác Hồ từng dạy “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình”, chúng em có thể rèn luyện tính kiên định thông qua những sự việc trong cuộc sống hằng ngày của mình ví dụ như khi cô giao một bài toán, dù các bạn ra các kết quả khác của mình song trải qua quá trình kiểm tra thật kĩ lưỡng và tin chắc kết quả của em là đúng, em sẽ không luống cuống mà thay đổi cho giống các bạn. Hay như khi trước một sự việc có nhiều lựa chọn nào đó, dù lựa chọn của em khác với số đông, dù các bạn có bàn luận hay chỉ trỏ nhưng em vẫn sẽ giữ vững niềm tin với lựa chọn đó của mình. Ngoài ra, em cũng sẽ học phân biệt kiên định và bảo thủ, khi đứng trước một sự việc mà em không hiểu rõ hay không biết, em sẽ lắng nghe và tiếp thu ý kiến của mọi người, không tự cho mình là đúng để tìm ra cách giải quyết tốt nhất và xa hơn là hoàn thiện đạo đức bản thân.
Có thể nói dẫu thời gian như thoi đưa, xã hội có thay đổi song lời dạy của ông cha ta “Dù ai nói ngả nói nghiêng / Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân” vẫn hoàn toàn đúng trong thời hiện đại này và vẫn là lời khuyên quý báu giúp chúng ta hoàn thiện bản thân.
Anh Vân