Đề bài: Suy nghĩ về bệnh vô cảm trong cuộc sống.
Bài làm
Dường như trong cái guồng quay của nhịp sống hối hả, sự áp lực của vấn đề cơm áo gạo tiền mà con người ta dần trở nên vô cảm hơn. Đa số con người bây giờ chỉ sống cho bản thân mà không quan tâm đến cảm xúc, hành động của người khác. Chẳng ai còn quan tâm đến ai nữa, họ không còn dành nhiều nhiều thời gian, tình cảm để quan tâm những người xung quanh. Những điều đó được gọi chung và bệnh “ vô cảm”.
Trước hết chúng ta phải hiểu thế nào là vô cảm. Vô cảm là hiện tượng con người không có cảm xúc, cảm nhận hay nói đúng hơn là một trạng thái tinh thần, mà khi ở trong đó, con người ko có một tý cảm xúc hay tình cảm mang tính nhân bản nào đối với những sự vật, sự việc diễn ra xung quanh họ, trước mắt họ bởi sự việc đó, sự vật đó ko đụng chạm trực tiếp đến lợi ích cá nhân của họ là được. Sự vô cảm lâu dần đã lan rộng ra trở thành một căn bệnh liên quan đến tâm hồn của con người. Những con người bị mắc căn bệnh này có trái tim lạnh giá, không xúc động, sống ích kỷ, lạnh lùng. Họ chỉ lo cho sự an toàn, lợi ích của bản thân mình là trên hết. Ngoài ra họ còn thờ ơ, làm ngơ trước những điều xấu xa, hoặc nỗi bất hạnh, không may của những người sống xung quanh mình.
Biểu hiện của căn bệnh này trong cuộc sống thì vô cùng phong phú và đa dạng. Nó không chỉ xuất hiện ở những người xấu mà còn xuất hiện cả ở những người được cho là tốt. Bởi nếu người tốt nhưng lại làm ngơ trước những điều xấu xa để những cái xấu xa đó có cơ hội phát triển, lây lan thì vô hình con người ta đã trở thành vô tâm, vô cảm. Căn bệnh vô cảm này thường xuất hiện nhiều ở những lớp trẻ, thanh niên ngày nay. Thanh niên, học sinh ngày nay thường thích hưởng thụ, đòi hỏi, ham chơi và đua đòi mà không nghĩ tới công sức của cha mẹ, thầy cô. Khi không được thỏa mãn như cầu các em sẽ phá phách, tìm đủ mọi cách dù có là hành động sai trái, vi phạm pháp luật và cuối cùng gánh chịu hậu quả không chỉ là các em mag còn là cha mẹ. Thậm chí có em còn tìm tới cái chết vì cha mẹ không đáp ứng được những nhu cầu cá nhân của mình mà không nghĩ tới sự đau lòng, sự hi sinh của bố mẹ đã dành cho mình.
Căn bệnh vô cảm còn có biểu hiện như: Nếu như trước kia khi đi đường chúng ta gặp một người gặp khó khăn hay tai nạn chúng ta sẽ thấy những người xung quanh luôn sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng giở đây thay vào đó là sự thờ ơ với buồn vui, sướng khổ, với những số phận của những người xung quanh mình. Đi đường gặp những người bị tai nạn, gãy tay, gãy chân hoặc nằm bất tỉnh, những kẻ vô cảm chẳng có phản ứng nào mà chỉ biết dửng dưng chứng kiến với thái độ "Thờ ơ con mắt lạnh. Nhìn chúng có hề chi!" (Tố Hữu). Vừa qua chúng ta thấy cư dân mạng truyền tay nhau một clip thu hút được sự quan tâm và phẫn nộ của dư luận.Đó là một đoạn băng giám sát ghi lại tại Trung Quốc cho thấy: Một em bé, thường được gọi là Duyệt Duyệt, đang đi trong một khu chợ kim khí cách nhà khoảng 100 m ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông hôm 13-10 thì bất ngờ bị một chiếc xe tải cán phải. Khi bị chiếc xe tải đụng phải, em bé ngã xuống và bị bánh trước cán qua người. Người lái xe dừng lại một lúc rồi quyết định cho xe chạy tiếp, bánh sau cán qua người Duyệt Duyệt. Sau đó người lái xe bỏ đi mặc cho em đang thoi thóp. Bảy phút sau đó, một xe tải chạy đến, tiếp tục cán lên người em bé đáng thương.Máy quay giám sát cũng ghi lại từ 17 giờ 30 phút chiều hôm đó, khi tai nạn xảy ra, có 17 người trong khu chợ chứng kiến bé nằm trên vũng máu mà không một ai ra tay giúp đỡ.Gần 10 phút sau khi cô bé bị cán, một người nhặt rác 57 tuổi mới chú ý và bế nạn nhân vào lề đường. Người phụ nữ này cố hỏi thăm tung tích của bé với những người chủ cửa hàng gần đó nhưng không có ai giúp đỡ, thậm chí còn khuyên bà chỉ nên lo việc của mình. Người nhặt rác sau đó đi vào một khu phố và vài giây sau, mẹ của bé xuất hiện, vội vã ôm con đi cấp cứu. Qua đoạn băng đó chúng ta thấy rằng sự nhẫn tâm, vô cảm của con người đang được đặt vào trạng thái báo động đỏ. Tại sao con người ta lại có thể thở ơ, dửng dưng tới vậy trước mạng sống của đồng loại mình, phải chăng họ đã đánh mất hết nhân tính. Không chỉ thờ ơ trước nỗi đau của người khác mà còn có những người tranh thủ cơ hội khi người khác gặp nạn để trục lợi cho bản thân, mặc kệ sự khó khăn mà người khác đang gặp phải, lấy nỗi đau của người khác làm lợi ích của bản thân. Đó là những vụ việc hôi của mà chúng ta thấy báo chí, truyền thông hay đưa tin.
Một biểu hiện rất rõ nữa của chứng thờ ơ, vô cảm nữa là chuyện lên xe ôtô ở nơi công cộng, thấy kẻ gian móc túi hoặc bọn côn đồ hành hung người khác, người ta cũng chỉ lờ đi xem như đấy không phải chuyện của mình. Hoặc nhiều trường hợp phát giác ra được những việc làm xấu, những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức người ta vẫn bình thản cho qua để mặc cho những hành vi đó thừa dịp phát triển mà không tố cáo. Ví như tại trạm trung chuyển xe bus Cầu Giấy – một địa bàn hoạt động khét tiếng của giới “hành nghề hai ngón”, Nguyễn Văn Quân (sinh viên ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội) kể rằng: “Đã vài lần mình ngồi hàng ghế cuối cùng trên xe bus trông thấy bọn móc túi đang giở trò “thó” điện thoại và ví của mấy bạn nữ sinh, nhưng không dám lên tiếng vì sợ chúng hành hung, trả thù”. Những người thờ ơ, thấy cái xấu mà bỏ qua như Quân không phải là hiếm vì tâm lý của đa số người là muốn yên thân, cho rằng tố giác cái xấu là “mua dây buộc mình”, “rước họa vào thân” nên tốt nhất là coi như “không nghe, không thấy, không biết”.
Những hậu quả mà căn bệnh vô cảm để lại vô cùng lớn. Nó sẽ hủy hoại sợi dây liên kết mọi mối quan hệ trong xã hội. Một xã hội mà mất đi sợi dây liên kết cộng đồng sẽ không thể tồn tại một cách tốt đẹp và bền vững. Bên cạnh đó nó sẽ phát hủy mọi quy định chuẩn mực về đạo đức, lối sống khiến con người trở nên xấu xa, phần “con” sẽ át mất phần “người”.
Những nguyên nhân gây ra căn bệnh vô cảm có thể là do: – Tính chất của cuộc sống mang tính chất “đô thị hóa”, văn hóa làng xã ngày một mai một dần, cái khái niệm gọi là “tắt lửa tối đèn” cũng mất dần đi. Guồng quay của cuộc sống khiến con người bị cuốn theo những lo toan về cơm áo, gạo tiền chính vì vậy họ không còn thời gian quan tâm tới nhau lâu dần trở thành cách sống vị kỉ của mỗi con người, thờ ơ với tất cả mọi thứ xung quanh.Đồng thời một số bộ phận thế hệ trẻ do được gia đình, bố mẹ chiều chuộng, thậm chí là lập trình sẵn cho cuộc đời, cho tương lai, cho từng đường đi nước bước. Cho nên không cần phải phấn đấu, không cần phải bận tâm, mọi thứ đều đã được bố mẹ lo, cho nên họ trở nên thờ ơ với cuộc sống, tương lai của chính mình.Một mặt khác là do chất lượng giáo dục ở các nhà trường và gia đình về đạo đức còn hạn chế… Những quan niệm lệch lạc, chỉ chú trọng kinh tế, đặt nặng tiền bạc hơn cả đạo đức; tư tưởng cá nhân chủ nghĩa (hoặc địa phương cục bộ), chỉ lo cho bản thân mình, gia đình mình, tập thể mình; lợi ích nhóm mà quên lợi ích của tập thể, của cộng đồng.
Căn bệnh tâm bệnh này quả là khó chữa nhưng không phải không có cách. Chỉ cần mỗi chúng ta hãy sống chậm lại, mở lòng mình hơn với mọi người xung quanh hãy dành thời gian của mình để quan tâm tới những người xung quanh hơn một chút. Đồng thời sự giáo dục của nhà trường và gia đình cần được cải thiện chú trọng về giáo dục nhân cách con người đứng đắn, dạy cho học sinh biết yêu thương những người xung quanh.
“Không có tình thương, con người chỉ là một con vật bị sai khiến bởi lòng ích kỷ”, vô cảm là cái chết từ trong tâm hồn chính vì vậy hãy chung tay đẩy lùi căn bệnh vô cảm này. Đừng để căn bệnh đó biến chúng ta thành những người không có cảm xúc, vô hình trong chính cuộc sống của mình.
Họa Tâm