Đề bài: Suy nghĩ về câu Ăn quả nhớ người trồng cây
Bài làm
Ăn quả nhớ người trồng cây là một câu thành ngữ đã trở nên rất đỗi quen thuộc với nhân dân Việt Nam bao đời nay. Dưới hình thức rất đỗi dung dị nhưng lại chứa một bài học triết lí sâu sắc về cách sống, cách làm người cũng như là thể hiện được truyền thống đạo lí sâu sắc của người Việt Nam về lòng biết ơn.
Về nghĩa đen câu tục ngữ muốn nhắc nhở chúng ta khi được hưởng những trái chín ngọt phải nhớ đến công sức vất vả của những người trồng cây, người chăm bón, người chăm sóc cây, người cho quả. Sau đó mượn hình ảnh ăn quả và trồng cây ý muốn nói khi nhận được một thành quả nào đó phải nhớ đến công sức của người đã giúp đỡ mình. Điều đó được ẩn dụ nhằm khuyên răn thái độ của mỗi con người xử sự sao cho đúng, cho phải đối với những người đã giúp đỡ mình để không phải hổ thẹn với lương tâm. Hành động đó đã thể hiện một tư tưởng cao đẹp, một lối ứng xử đúng đắn. Lòng biết ơn đối với người khác đó chính là một truyền thống tốt đẹp của ông cha ta từ xưa tới nay.

Triết lí sống: Ăn quả nhớ ngươi trồng cây hoàn toàn đúng đắn trong mọi thời điểm. Lẽ thường khi hưởng thụ một thành quả nào đó người khác đem lại người ta thường quên đi mất sự khó nhọc của người làm ra. Những thành quả đó nào có tự nhiên mà có được. Giống như việc để “ bưng bát cơm đầy”, “ dẻo thơm một hạt” người nông dân phải đánh đổi “ đắng cay muôn phần”. Không phải tự nhiên chúng ta có cuộc sống hòa bình mà để có hòa bình đã phải đánh đổi biết bao xương máu, hi sinh biết bao tính mạng của cha ông, của những người đồng…Bản thân mỗi chúng ta không phải tự nhiên mà có sự sống, tự nhiên lớn, tự nhiên trưởng thành…mà là do gia đình ban tặng, nuôi dưỡng; thầy cô bảo ban,dạy dỗ vất vả mà nên. Như vậy, trong cuộc sống, không có một thành quả nào mà không có công lao của một ai đó tạo nên.Vậy nên câu tục ngữ: Ăn quả nhớ người trồng cây như một lời nhắc nhở sâu sắc tới mọi thế hệ về lòng biết ơn.
Có những câu chuyện rất cảm động về biểu hiện của lòng biết ơn như: Truyền thông Thái Lan những ngày qua đồng loạt đưa tin về chàng thanh niên Klanarong Srisakul – người đã không ngần ngại bày tỏ lòng biết ơn đến người cha lam lũ của mình.Srisakul vừa tốt nghiệp trường đại học Chulalongkorn danh tiếng của Thái Lan cách đây không lâu.Để cảm ơn người bố – một công nhân vệ sinh chuyên chở xe rác tại địa phương, anh chàng đã tìm đến nơi bố làm việc, quỳ rạp xuống đường, ngay phía trước chiếc xe tải chở rác thải bẩn. Trên Facebook, chàng sinh viên còn đã viết những lời cảm ơn cha, dù rất mộc mạc nhưng tràn ngập yêu thương, cảm kích khiến cộng đồng mạng xúc động mạnh: “Cha tôi không có một công việc mà ông chẳng hề yêu thích. Ông là một người lái xe chở rác. Khi tôi còn là một đứa trẻ, không biết bao nhiêu lần, tôi đã cảm thấy xấu hổ về người cha lam lũ của mình.Tại sao ông không mặc đồng phục đẹp đẽ hơn, như đồng phục của công an hay bộ đội như những người cha khác?” – “Sông bên nhau, chúng tôi chia sẻ một giấc mơ. Cha tôi chỉ học đến lớp 4, vì thế ước mơ lớn nhất của ông là tôi được đi học. Ông nói với tôi rằng, gia đình tôi chẳng có bất cứ tài sản gì, nhưng ông có thể cho tôi đi học. Tôi muốn trở thành một người lính, nhưng tôi đã không vượt qua kỳ thi đầu vào. Tôi phát hiện ra rằng, cha tôi đã khóc thầm.” Đó là tấm lòng biết ơn của một người con dành cho một người cha vĩ đại bởi nếu không có người bố quanh năm bán mặt cho những bãi rác bẩn thỉu thì có lẽ Srisakul khó có thể hiện thực hóa ước mơ học đại học của mình.
Dạy cho con người lòng biết ơn, câu tục ngữ ăn quả nhớ kẻ trồng cây có một giá trị nhân văn đẹp đẽ. Lòng biết ơn khiến con người biết sống thủy chung, ân nghĩa hơn. Nhờ lòng biết ơn mà các thế hệ kết nối với nhau bởi tình người. Lòng biết ơn khi hóa thân thành hành động cụ thể là động lực đề giữ gìn, xây dựng cuộc sống ngày một đẹp hơn. Bác Hồ nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói ấy đã thể hiện cao nhất hành động “nhớ người”. “Nhớ người” là phải giữ gìn, bảo vệ thành quả của những người đi trước, khiến nó trở nên phóng phú, đẹp đẽ hơn. Chúng ta là thành quả của cha mẹ, thầy cô. Đến lượt mình, chúng ta phải đi xa hơn nữa, vươn tới những chân trời mới. Có như thế mới thật sự đền đáp công ơn dưỡng dục, sinh thành của thầy cô, cha mẹ. Ở đây cũng đồng thời là lối sống có trách nhiệm, vị tha. Biết vì thế hệ sau – đó là biểu hiện đẹp nhất của “nhớ người”. Có như thế, chúng ta chẳng những tỏ lòng biết ơn mà còn xứng đáng với nhân cách, tấm lòng của thế hệ đi trước. Một điều rất quan trọng nữa là phải biết tự tạo lập cho mình những thành quả cho thế hệ sau.
Bên cạnh những tấm gương về con người có lòng biết ơn lại không ít những người sống vô ơn. Họ lãng quên đi công lao của người khác đối với mình thậm chí là phụ bạc,gạt bỏ công ơn đó. Những con người như vậy sẽ bị xã hội coi thường, lãng quên. Sẽ không có ai giúp đỡ họ lúc khó khăn, khi cần bởi họ không xứng đáng được hưởng điều đó.
Chúng ta hãy luôn bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp mà biết bao đời nay cha ông truyền lại. Mỗi một người phải tự ý thức về những điều mình có, những điều mình được thừa hưởng để trân trọng và báo đáp công ơn của người đã tạo ra.
Họa Tâm