Đề bài: Suy nghĩ về tài và đức trong cuộc sống
Bài làm
“Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” đó là lời khuyên dạy của Bác dành cho mỗi chúng ta, các thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Vậy tài và đức là gì? Tại sao lại có sức ảnh hưởng, quyết định tới giá trị của con người tới vậy!
Tài có thể nhận định đó chính là: tài năng, là năng lực, kĩ năng, kĩ xảo của con người. Người có tài thì có khả năng hoàn thành một hoặc nhiều công việc một cách tốt nhất và sáng tạo, đặc biệt là trong hoàn cảnh khó khăn, tình huống phức tạp. Tài được biểu hiện cả trong lao động chân tay và lao động trí óc. Đó là kết quả của năng khiếu và cả sự chăm chỉ, cần cù rèn luyện.Còn đức được hiểu theo là: đạo đức, là cách cư xử hợp lẽ phải, đạo lí, sống có trách nhiệm với mọi người, là sự biểu hiện của nét đẹp nhân cách con người. Đức biểu hiện ở lời nói, cử chỉ, hành động của con người hướng tới chân – thiện – mĩ.
Giữa tài và đức có một mối liên kết rất mật thiết. Hai khái niệm này có quan hệ chặt chẽ với nhau, thống nhất với nhau trong cùng một con người. Nói cách khác thì yếu tố để làm nên một con người có ích cho chính bản thân, gia đình, bạn bè và đất nước phải là một con người có đủ, hài hòa về cả tài và đức. Chú trọng tài mà không quan tâm tới việc tu dưỡng đạo đức sẽ dẫn tới việc lệch lạc trong suy nghĩ và hàng động. Từ đó thiếu sự phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện bản thân, thậm chí dẫn tới suy nghĩ và hành động gây hại cho mọi người xung quanh và xã hội. Người có tài nhưng lại không đem tài để phục vụ nhân dân, làm giàu đất nước thì cái tài đó hoàn toàn vô ích. Người có tài mà chỉ nhằm thu vén lợi ích cá nhân, phản bội Tổ quốc, đi ngược lại lợi ích nhân dân thì người đó cũng trở thành vô dụng, thậm chí là có tội.Người có tài mà không có đức thường kiêu căng hợm hĩnh, thậm chí xảo quyệt, gian ngoa và dễ trở thành kẻ xấu xa, gây tác hại, nguy hiểm cho gia đình, xã hội. Một ví dụ điển hình cho kiểu người này đó là: Hitler, những thành tựu mà Hitler đạt được trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và quân sự là đáng ngưỡng mộ cho một con người tài năng. Nhưng Hitler sẵn sàng lừa dối, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân chỉ để nhằm thi hành những điều chủ chốt trong tư tưởng của ông, thỏa mãn lợi ích cá nhân. Hitler đã chinh phục được giới thương mại và công nghiệp trong nước. Riêng hai cường quốc Anh và Pháp, ban đầu muốn trấn áp Đức nhưng kế tiếp lại muốn xoa dịu Hitler, mở đường cho ông thôn tính Áo và Tiệp Khắc. Đến khi Hitler hung hăng xâm lăng Ba Lan thì họ mới nhận ra tham vọng vô bờ bến của Hitler nhưng đã quá muộn: Chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra là điều tất yếu.
Người có đức thường được mọi người kính mến, quý trọng, Nhưng chỉ lo tu dưỡng đạo đức mà không quan tâm tới việc nâng cao trình độ, khả năng sáng tạo và làm việc của bản thân thì không thể đóng góp sức lực cho sự thành công và phát triển của bản thân, xã hội và đất nước. Có đức mà không có tài thường khó thực hiện được chức trách, khó hoàn thành nhiệm vụ, khó đạt kết quả cao trong công việc thậm chí còn phá hỏng công việc đó. Ví như một vị giám đốc có rất nhiều phẩm chất như: tận tụy với công việc, có tinh thần trách nhiệm, đối xử rất tốt với nhân viên… nhưng lại không có tài điều khiển nhân viên, không đủ khả năng kiểm tra công việc của những người kĩ sư dưới quyền… thì xí nghiệp ấy khó lòng đứng vững, nói gì đến việc mờ rộng hay phát triển. Từ đó người có đức mà không có tài sẽ không làm được gì mà còn gây tổn hại tới công việc chung… Một nguy cơ rất dễ xảy ra là khi người chỉ huy không thể kiểm soát được công việc của các nhân viên, những nhân viên có tài mà không có đức dễ dàng làm những việc gian tham, móc ngoặc gây phương hại đến cho xí nghiệp, mang hậu quả nặng nề cho cấp trên.
Con người thiếu một trong hai giá trị trên đều là người không trọn vẹn. Giải quyết được mối quan hệ hài hòa, gắn bó giữa tài và đức sẽ giúp con người phát triển toàn diện và có thể đóng góp nhiều công sức, sự thành công cho bản thân, xã hội và đất nước. Đức là nền tảng giúp tài bay cao vững chắc, có tài thì đức càng tỏa sáng.Có rất nhiều những tấm gương tiêu biểu về các nhân vật toàn đức – toàn tài như chính vị lãnh tự vĩ đại của chúng ta: Hồ Chí Minh, Bác là một nhà thơ hay, một người lãnh đạo cách mạng giỏi, Bác biết rất nhiều thứ tiếng…Bác đã đem tài năng của mình đi khắp năm châu tìm đường cứu nước, cứu dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ, trở thành một dân tộc độc lập, tự do, hạnh phúc.
Mỗi người chúng ta phải không ngừng học tập, tu dưỡng, phải rèn đức luyện tài để trở thành người toàn diện, có ích cho đất nước. Đem công sức của mình góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc luôn tươi đẹp, phát triển sánh vai với cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn ở thế hệ trẻ.
Dù ở trong thời đại nào, thì tài và đức luôn là hai phẩm chất quý giá của con người bởi nó làm nên giá trị của mỗi chúng ta. Hãy luôn cố gắng trở thành người tài đức vẹn toàn.
Họa Tâm